Tìm về đất Phật theo gót chân Bụt
Dù bạn là ai thì chắc hẳn rằng, sau khi đọc cuốn sách “Đường Xưa Mây Trắng” của Thầy Thích Nhất Hạnh cũng sẽ không khỏi mang trong lòng những dư âm về sự thức tỉnh và con đường hướng con người tìm về với thiện lương.
Tác giả - Sư Thầy Thích Nhất Hạnh đã viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng, khi trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi và trời thì rất lạnh. Lúc ấy, tay phải Thầy viết sách và tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Nhưng, Thầy đã viết với tất cả sự hạnh phúc mà mình có. Và điều đó đã được độc giả cảm nhận được bằng niềm hạnh phúc vô biên khi được lãnh hội được những giá trị tuyệt vời của giáo lý nhà Phật thông qua lời dạy của Bụt.
“Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả, giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột hết ra các vầng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó”- Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hành trình tìm đến sự giác ngộ đầy gian nan và thử thách.
Ngay từ tấm bé, Siddhatta (sau này là Bụt) đã không có hứng thú về những điều xa hoa, phù phiếm nơi chốn cung điện. Càng lớn lên, chàng càng khắc khoải trong lòng về ý định muốn tìm ra con đường giải thoát cho chính mình và cho tất thảy loài người trên thế gian này.
Sau này, chàng đã kết hôn với Yasodhara, nhưng hạnh phúc của Siddhatta và Yasodhara không phải là được sống bưng bít trong quyền quý và giàu sang. Hạnh phúc của hai người là sự chia sẻ những nỗi niềm và ước vọng của tâm linh với người mà mình có thể cởi mở tấm lòng. Đó cũng chính là lý do mà Siddhatta đã giã từ tất cả, kể cả đứa con vừa mới sinh của mình để quyết chí ra đi tìm câu trả lời.
Con đường đi tìm đến sự giác ngộ của Người vô cùng gian nan và vất vả, đầy rẫy sự hiểm nguy có thể đánh đổi bằng chính mạng sống của Người. Bụt đã đi, đã gặp và học được các giáo lý và hệ tư tưởng từ các bậc thầy, nhưng không một giáo phái nào có thể giúp Người có niềm tin và tìm ra sự giải thoát.
Cũng có một thời gian, Người tin vào lối tu khổ hạnh và bắt đầu tự đày đọa thân xác của mình trên những vách đá cheo leo nơi núi rừng hiểm trở với bao sự nguy hiểm rình rập để rồi suýt chết vì đói. Từ đó, Người nghiệm ra một sự liên kết chặt chẽ giữa thân và tâm, thân thể bị đày đọa khổ cực sẽ khiến cho tâm hồn khổ đau và tiều tụy đi mà thôi. Và đây cũng không phải là con đường giải thoát mà "Người" đang tìm kiếm.
Cuối cùng, Người đã nhận ra chính bản thân mình mới chính là người Thầy tốt nhất để tìm đến sự giải thoát cho cuộc đời. Người đã dừng lại bên dòng sông Neranjara chạy dọc qua ngôi làng Uruvela. Và chính tại đây, dưới gốc cây pippala, Người đã tìm ra được đạo lý tỉnh thức, đạo lý giải thoát cho con người.
Con đường phổ độ chúng sinh của Đức Phật.
Từ sự giác ngộ của mình, Bụt đã thấy chúng sanh đang chịu đựng vô lượng khổ đau chỉ vì mỗi người mỗi loài không biết rằng mình đang cùng chung một thể tính với mọi người và mọi loài khác, và từ sự u mê đó đã làm phát sinh bao nhiêu phiền não làm rối loạn tâm hồn. Tham đắm, giận hờn, kiêu căng, nghi ngờ, tật đố và sợ hãi… những tâm niệm ấy đều phát sinh từ nguồn gốc vô minh. Nếu mỗi người biết tìm cách tĩnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật thì ai cũng có thể đạt tới sự hiểu biết, và sự hiểu biết này sẽ làm tiêu tán được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và niềm tin yêu. Hiểu biết và thương yêu là một và nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu. Hiểu biết chính là chìa khóa của cánh cửa giải thoát.
Bụt đã đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều chốn để giảng dạy về con đường giải thoát cho chúng sinh. Đến đâu, cũng có rất nhiều người muốn làm đệ tử của Người để theo học những điều giáo lý thâm sâu và diệu vợi từ nơi Bụt.
Bằng sự ung dung, đức độ, bằng một trái tim đầy tình yêu thương dành cho tất thảy vạn vật trên cõi thế gian và sự chứng ngộ từ thực nghiệm của mình. Người đã mang đến niềm tin, soi rọi ánh sáng cho những con người đang đau khổ ngoài kia tìm thấy đường đi cho cuộc đời mình, giải thoát khổ đau để về cõi bình an, thanh thản.
Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Reviewer: Như Quỳnh (Thành viên NHB Blue Team)
![]() |
Mua Sách |