Review Sách - Totto Chan (Reviewer: Thu Quỳnh)

 

Mua sách

Có lẽ tuổi thơ của mỗi người đều sẽ có những vùng ký ức tươi đẹp mà mỗi khi nhớ về nó, chúng ta lại khẽ mỉm cười hạnh phúc. Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách gợi nhắc về một vùng trời như thế.


Totto-chan bên cửa sổ là một tác phẩm của nữ tác giả người Nhật Bản Tetsuko Kuroyanagi. Bà đã viết cuốn hồi ký này dựa trên trải nghiệm thời thơ ấu của mình tại trường tiểu học Tomoe Gakuen trước thế chiến thứ hai.


Kuroyanari đồng thời cũng là một diễn viên, một ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng. Bà còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách dành cho trẻ em bán chạy nhất nước Nhật.


Tetsuko Kuroyanagi luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Bà là người sáng lập nên Quỹ Totto – lấy lợi nhuận từ cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ để đào tạo những diễn viên khiếm thính.


Bên cạnh đó, bà còn đảm nhiệm vai trò là cố vấn của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) và Đại sứ thiện chí cho UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF), được nhận giải Nobel vì hoà bình.


Nhân vật trung tâm của cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ không ai khác, đó chính là Totto-chan – một cô bé 6 tuổi bị đuổi học ngay từ những ngày đầu tiên đến trường.


Cô bé Totto-chan hiện lên trong trí nhớ của mình: đầu đội mũ vành sẫm màu, quần áo và cả tất đều trắng tinh, khuôn mặt mũm mĩm và đôi má ửng hồng – một cô bé hoạt bát, nghịch ngợm và đam mê khám phá.


Chỉ riêng việc đóng mở nắp bàn liên tục, vẽ cờ tổ quốc lan ra cả bàn học vì thiếu giấy, gọi những người hát rong đến và nói chuyện hay hỏi một chú chim nhạn đang làm gì ngay trong giờ học cũng đã cho mình thấy được Totto-chan là một cô bé đặc biệt, không hề giống bất kỳ ai.


Có lẽ đây chính là lý do mà cô bé bị thôi học ngay từ cấp một, thậm chí bị đuổi học không phải chỉ một lần.


Tomoe – một ngôi trường “trong mơ” với cách giáo dục đặc biệt.


Khi gấp sách lại, tâm trí mình không chỉ hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi hình ảnh cô bé Totto-chan đáng yêu mà còn có ngôi trường Tomoe đặc biệt với vị Hiệu trưởng đáng kính Kobayashi Sosaku và rất rất nhiều những câu chuyện khác nữa.


Totto-chan đã may mắn được học ở ngôi trường mới lý tưởng sau khi bị đuổi khỏi ngôi trường cũ. Đây là nơi giúp cô bé phát triển bản thân một cách tự nhiên, dạy cho cô bé nhiều điều và đặc biệt những gì cô bé làm không còn đáng lo ngại nữa.


Trường Tomoe được xây dựng trên một đoàn tàu cũ. Để làm phòng học, nhà trường đã phải tận dụng “sáu toa tàu bỏ không” với “hai cột cổng trường là hai gốc cây còn nguyên rễ”. Tomoe là một ngôi trường “kì lạ”, với một thầy hiệu trưởng có cách giáo dục “kì lạ”, giáo viên cũng “kì lạ” và bạn học của Tomoe cũng “kì lạ”.


Totto-chan hoàn toàn thấy thích ngôi trường vì chính người thầy đã ngồi suốt 4 tiếng nghe cô bé kể chuyện linh tinh hay cái cách mà thầy để cho các em lớp 1 tự chọn thứ tự các tiết học trong một buổi học cho chính mình.


Mình ấn tượng vô cùng với hình ảnh Totto-chan làm rơi chiếc túi tiền xuống hố xí và cô bé đã mượn cái gáo của bác bảo về để múc hết phân trong đó ra và tìm túi tiền. Khi thầy hiệu trưởng thấy cô bé, ông đã không hề la mắng mà chỉ nói “Làm xong em nhớ lấp lại nhé!”. Đó là cách ông dạy cho Totto-chan rằng em phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.


Rồi một hình ảnh nữa cũng đọng lại trong mình rõ mồn một đó là cảnh Totto-chan cố gắng giúp một người bạn khuyết tật leo lên cái cây được coi là “ngôi nhà của mình” trong sân trường. Có lẽ, người lớn chúng ta sẽ e dè, sợ hãi khi mường tượng đến cảnh “nguy hiểm” của một đứa bé nhỏ con đang cố gắng kéo người bạn khuyết tật của mình lên một cái cây. Nhưng Totto-chan đã làm được, để giới thiệu với bạn một thế giới mới mà có lẽ cả đời này người bạn ấy không thể nào quên.


“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”. Đó là cách Hiệu trưởng lựa chọn để giáo dục các em.


Nhờ sự giáo dục đó của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Một “người thầy hiệu trưởng vĩ đại” không phải là người “biết chăm chút cho ngôi trường của mình” mà chính là người “biết chăm lo cho ngôi trường của mình theo đúng ý thích của các em.


Người thầy ấy vừa là thầy, vừa là bạn, đã tạo cho các em nhỏ một môi trường tự do phát triển khả năng, phát triển cá tính của mình; không gò bó, không áp đặt, không khoảng cách, không e dè. Mặc dù trường Tomoe chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi rồi bị bom đạn của thế chiến thứ hai phá sập, toàn bộ học sinh luôn luôn khắc ghi ngôi trường trong kí ức của họ, đặc biệt là Totto-chan. Cô bé vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi nói: “Em thật là một cô bé ngoan”.


“Nếu không học ở Tomoe…” – tác giả viết – “nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”.


Nhà văn Tetsuko Kuroyanagi dành những trang cuối của tác phẩm để viết về các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học; người chuyên trồng hoa lan; người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật. Dẫu thế nào, tất cả họ vẫn hiện lên trong trái tim người đọc với tất cả tình yêu thương chân thành nhất.


Totto-chan bên sửa sổ – bài học về tầm quan trọng của môi trường giáo dục.


Nguyễn Khắc Viện đã có một nhận xét rất hay về Totto-chan bên cửa sổ rằng: “Chắc chắn mỗi học sinh đều mơ ước được như Tôt-tô-chan may mắn vào học một trường như Tô-mô-e, với một thầy hiệu trưởng như ông Kô-ba-y-a-si. Riêng tôi chỉ mong cho nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc cha mẹ đọc sách này, để giúp thoát khỏi khuôn nếp cũ, tự tạo ra “tư duy mới” trong việc chăm sóc dạy dỗ con em”.


Thật vậy, khi cầm cuốn sách trên tay và đắm mình vào những con chữ trong câu chuyện, không phút nào mình không mong ước hệ thống giáo dục trên toàn thế giới này thay đổi như cách mà Thầy Kobayashi dạy Totto-chan và các bạn nhỏ, bởi ở nơi đó mình nhìn thấy các em không hề bị hạn chế bởi những quy tắc và chuẩn mực mà người lớn và xã hội áp đặt lên mỗi người.


Với chính bản thân mình, mình cũng ước rằng mình đã được sống, được học tập trong môi trường như thế; được dạy dỗ bởi người thầy như thế; được sống với cá tính của chính mình, được nói lên suy nghĩ của mình mà không cần phải sợ hãi hay ngần ngại điều gì cả.


Bởi khi đó chính là khi mình được trải qua một tuổi thơ tròn đầy những cung bậc tình cảm. Mình thật lòng hy vọng rằng sẽ sớm có nền giáo dục như thế cho những thế hệ sau này!


Đôi lời tâm sự

Harvey MacKy từng nói rằng: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Có thể nói rằng sách là một người bạn đồng hành góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những giá trị tốt đẹp trên từng bước trưởng thành của mỗi người. Thậm chí, một cuốn sách, vào một thời điểm thích hợp có thể làm cuộc sống bạn rẽ sang hướng khác. Mỗi cuốn sách là một thế giới kì diệu. Và trong vô vàn những thế giới kì diệu ấy thì thế giới mà cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ mang đến để lại trong mình rất nhiều ấn tượng đặc biệt.


Mình đến với Totto-chan bên cửa sổ vốn dĩ không hẳn là vì muốn tìm hiểu thực sự hay yêu thích nó. Cuốn sách là một trong những lựa chọn cho phần bài tập về nhà của một học phần ở trường Đại học, thế nên ban đầu mình bước vào thế giới ấy với chỉ khoảng 30% hứng thú mà thôi.


Thế nhưng khi gấp cuốn sách lại, ấn tượng của mình về cuốn sách lại vô cùng mạnh mẽ. Totto-chan bên cửa sổ nhìn qua chỉ là những câu chuyện bình thường được kể lại với giọng văn giản dị, dễ hiểu có phần ngây ngô. Ấy vậy mà đằng sau đó là cả một thế giới kì diệu – một thế giới mình chưa từng được bắt gặp trước đây.


Mỗi câu chuyện trong Totto-chan bên cửa sổ như một nốt nhạc, một câu hát mà Totto-chan đã hát trên đường về nhà sau một buổi học, về một người thầy đã thực sự lắng nghe bằng cả trái tim và tâm hồn, về những bài học dạy chúng ta những thứ chúng ta thực sự cần khi lớn lên, về những người bạn thân thiết trong toa tàu bé nhỏ chạy xình xịch qua những giấc mơ của mỗi học sinh tại ngôi trường tuyệt vời ấy.


Nhẹ nhàng đi vào trái tim độc giả nhưng mình tin rằng dư âm của cuốn sách là vô cùng sâu sắc.



Tác giả: Tetsuko Kuroyanagi

Reviewer: Thu Quỳnh

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ