Có bao giờ bạn tự hỏi, có mấy phần cấu tạo nên thế giới hay chưa? Câu trả lời không nằm ở đâu xa khi nó chỉ gói gọn trong hai chữ "khác biệt".
Sự khác biệt giữa người với người, vật với vật, sự xuất hiện của những mặt đối lập như hòa bình và chiến tranh, ánh sáng và bóng tối, giàu có và nghèo khó, hạnh phúc và khổ đau,... đã hình thành nên một cuộc sống muôn màu với đầy rẫy bí ẩn đang chờ được khám phá, tất nhiên trên đoạn đường ấy cũng tồn tại muôn vàn thử thách, khó khăn như một phép thử cho sự quyết tâm và ý chí kiên cường của cá thể, họ sẽ khai phá, sẽ học được muôn vàn bài học quý giá sau những vấp ngã và thiếu sót mắc phải.
Song sẽ ra sao khi thế giới đã hoàn toàn loại bỏ nỗi mất mát, chẳng còn sự khác biệt giữa hoàn cảnh sống hay quyền lợi giữa người với người, cuộc đời rồi sẽ ra sao khi đối diện với sự đổi thay đi ngược với tự nhiên ấy, liệu rằng con người có đón nhận đó như một niềm may mắn quý giá hay không?
Tác phẩm "Người truyền ký ức" của nhà văn Lois Lowry chính là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi ấy.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, song tuổi thơ lại có cơ hội khám phá nhiều vùng đất mới lạ ở quê hương cũng như trên thế giới đã tích lũy cho nữ nhà văn những trải nghiệm phong phú để viết nên những cuốn sách có tác động mạnh mẽ, khi không chỉ dạy cho trẻ nhỏ những bài học mà còn khiến người lớn phải suy ngẫm.
"Người truyền ký ức" sẽ dẫn lối chúng ta tới một thế giới khác, thế giới ở Kỳ Đồng Nhất. Khi mà khoa học, trí tuệ con người đã phát triển và tiến bộ người ta đã thực hiện một thay đổi lớn đối với thế giới mà họ đang sống, họ đồng nhất tất cả.
Đồng nhất mọi hoàn cảnh sống, điều khiển thời tiết, chi phối con người bởi luật lệ và hệ thống. Một cuộc sống không tồn tại nỗi buồn, không tồn tại chiến tranh, không có đói nghèo, không có phân biệt giai cấp, con người thực hiện những cột mốc cuộc đời theo sự chỉ định từ bên trên.
Con người ở thế giới ấy còn chẳng có quyền quyết định nghề nghiệp một cách tự do, khi trong suốt hành trình lớn lên của chúng luôn có người theo dõi để đưa ra chọn lựa phù hợp. Họ cũng không cần đến tình yêu để kiếm tìm một người bạn đời phù hợp, việc ấy đã được quyết định sẵn và thi hành khi tất cả đều sẵn sàng, thậm chí còn phải uống thuốc mỗi ngày để điều trị căn bệnh "tương tư".
Nếu muốn có con chỉ có thể được nhận nuôi hai đứa trẻ một trai, một gái, vì đó là luật lệ. Cuộc sống mà không tồn tại những khó khăn, sóng gió phải chăng là một thế giới lý tưởng để gửi gắm cuộc đời mình? Sự khác biệt hay gọi là thói quen chỉ thực sự cần để giao cho công dân đến tuổi trưởng thành những công việc phù hợp với năng lực.
Con người vì không lưu giữ những ký ức, họ chỉ định một người đặc biệt nhất là "Người nhận ký ức của Cộng đồng", một người sẽ được tiếp nhận mọi ký ức của thế giới, về nỗi đau, nỗi lo âu, về cảm giác lạnh lẽo khi chạm vào tuyết, cái nắng cháy da dưới ánh mặt trời, cảm nhận thứ được gọi là hơi ấm tình thương và vô vàn những điều khác.
Là người đưa ra lời khuyên cho các bô lão đứng đầu "cộng đồng" khi họ phải đối mặt với vấn đề họ chưa từng biết (họ không có ký ức nào cần thiết để đối diện với nó). Suy cho cùng con người không khác robot là mấy khi giữa họ không giữ nổi một ý niệm trong tiềm thức, không có nổi một sự liên kết thực thụ.
Gia đình là những mảnh chắp vá từ những con người xa lạ dựa trên "tiêu chuẩn hòa hợp" với sự sẻ chia giữa những thành viên diễn ra một cách công thức, máy móc. Không yêu cũng không ghét, không cảm nhận được màu sắc mà chỉ toàn một màu xám, âm nhạc, hội họa, tuyết, những con dốc, ngọn đồi, hình ảnh một mái ấm có đến ba thế hệ chung sống chỉ có trong ký ức của người truyền ký ức.
Thật vô vị biết mấy khi một đứa trẻ chẳng có cơ hội thử sức với nhiều nghề nghiệp chúng ưa thích mà chỉ tuân theo sự phân công được tổ chức long trọng. Trong thế giới kỳ đồng nhất mọi thứ đều được phân công, giao phó dựa trên sự phù hợp của các hệ thống luật lệ khi soi chiếu vào con người và chính con người cũng đang tự nhốt mình trong "u tối" ấy.
Hẳn là một đứa trẻ sẽ bị phạt nếu chúng thốt lên sai từ, nói cách khác là sử dụng ngôn ngữ không chuẩn xác, đó là cách người ta dạy một đứa trẻ từ khi nó còn rất bé "Không ai trong cộng đồng chết đói cả, chưa từng và sẽ không bao giờ chết đói. Nói “chết đói” có nghĩa là nói dối. Hẳn nhiên là một lời nói dối không chủ ý. Nhưng lý do cần có sự chính xác ngôn từ là để đảm bảo rằng những lời nói dối không chủ ý không bao giờ phát ra". Đúng, không trong cộng đồng chết đói, nhưng không phải thức ăn mà là tâm hồn của họ đang "chết đói", chúng cằn cỗi vì chưa từng tồn tại những ký ức, dù về niềm đau hay tình yêu thương, hơi ấm gia đình, sẽ "chết" vì đôi mắt chưa từng nhìn thấy màu sắc và đôi tai chưa một lần nghe nốt nhạc ngân vang.
Người ta phải học cách chấp nhận nghịch cảnh và vượt qua nó thay vì loại bỏ hết những "chướng ngại" trong cuộc sống để sống cuộc đời hoàn hảo một cách vô nghĩa. Họ phải dùng tình yêu để kiếm tìm hạnh phúc thay vì để được lựa chọn tránh bớt những rủi ro. Phải dùng máu thịt của mình để một hậu duệ được ra đời và nuôi nấng chúng bằng tình thương chân thành. Tình cảm là thứ không thể kìm nén, có khổ đau mới tồn tại hạnh phúc, có đánh đổi mới có được bình yên, trái tim đã không thể rung cảm trước vẻ đẹp, làm ngơ trước mất mát, đau thương chính là một trái tim chết.
Ấy vậy mà "Chúng ta không dùng từ "yêu" nữa, từ đó đã quá cổ xưa rồi." Còn nhiều điều mà Lois Lowry gửi gắm khiến người đọc phải suy nghĩ, có hay không cần thiết để trải qua thất bại, vấp ngã để một đứa trẻ được phát triển tự nhiên nhất, chọn lựa người mà mình muốn trở thành. Mỗi người trong chúng ta cần học cách trân trọng sinh mệnh - một món quà thiêng liêng, quý giá và để nó kết thúc bằng sự tự nguyện, bình yên.
Song đó, khi còn sống người ta không chỉ cần chăm sóc sức khỏe thể chất mà tâm hồn cũng cần được tắm mát bởi âm nhạc và hội họa. Bên cạnh đó tâm hồn cũng sẽ chết nếu nó không mang trong mình những ký ức, dù là hạnh phúc hay đau khổ, ký ức chính là thước phim duy nhất ghi lại hành trình sống của nhân loại - "Điều tồi tệ nhất của việc giữ những ký ức không phải là nỗi đau, mà là sự cô độc. Ký ức cần phải được chia sẻ" (trích "Người truyền ký ức").
Cuộc sống hoàn hảo do chính chúng ta tạo nên không nương theo sự quyết định của người khác, nó sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi màu sắc của những cung bậc cảm xúc "hỉ, nộ, ái, ố". Hạnh phúc to lớn nhất nằm ở cuối con đường sau khi đánh bại mọi thử thách, sóng gió, không phải gạt bỏ mọi khổ đau để chạm đến dễ dàng.
Tác giả: Trần Thảo Linh
Mua sách Người Truyền Ký Ức (Tiki.vn)