Review Sách - Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn (Reviewer: Kiều Oanh)



Mình tìm đến cuốn sách dưới góc độ của một người yêu thích nhiếp ảnh, có môt phần tuổi thơ ở Sài Gòn và thích hoài niệm. Cảm giác khi nhìn thấy cuốn sách y hệt cảm giác khi tìm thấy một người bạn tâm giao vậy. Khó tả lắm, chỉ biết rằng vô cùng mãn nguyện.

Mình đánh giá 5/5 sao cho cuốn này vì nó thật sự…ĐẸP. Tất nhiên, ĐẸP về cả phần xác lẫn phần hồn.

Như đã nói, điều làm mình “xiêu lòng” trước tiên chính là chủ đề của cuốn sách. “Ký ức một ảnh viện Sài Gòn”, cái tên chỉ vỏn vẹn 7 chữ mà thu được hết cả hồn cốt tác phẩm. Tác giả gọi đây là cuốn “tiểu sử” về một ảnh viện, một đời người , một thời cuộc. Ảnh viện ấy, đời người ấy chính là những chứng nhân của lịch sử, chứng nhân cho sự “quẫy cựa” nơi đất Sài Gòn phồn hoa vài thập kỉ trước và sau Thống nhất; đồng thời cũng là nơi lưu lại vô vàn kí ức đẹp về cuộc sống, con người buổi đương thời.

Ta đều biết, giữa thời đại ngày nay, chiếc camera có thể đặt vào tay bất kì ai, ai cũng có thể tự chụp cho mình những tấm hình ưng ý, vai trò của ảnh viện cũng như người thợ chụp dường như mờ dần đi. Song, điều này hoàn toàn ngược lại ở thế kỉ trước. Ngày ấy, ở nước ta, đặc biệt là Sài Gòn, nghề chụp ảnh rất đươc nể trọng. Nhiếp ảnh giống như việc “phù phép” diệu kì cho ra hình ảnh có thể lưu lại mãi mãi, còn thợ ảnh là những người duy nhất biến hóa được phép thuật thần tiên đó vậy.

Phần đầu cuốn sách, tác giả đã lược qua một cách văn tắt lịch sử ra đời của chiếc máy ảnh và công việc nhiếp ảnh. Ông cũng cung cấp thêm tư liệu về nguồn gốc của các thuật ngữ trong nhiếp ảnh lẫn quá trình nó du nhập vào nước ta để sau đó trở thành một nghề kiếm sống được. Có thể coi đây là phần gợi, giúp độc giả hình dung ra bối cảnh, thời gian cuốn sách đang đề cập đến.

Những phần tiếp theo xoay quanh cuộc đời của “người thợ ảnh” Đinh Tiến Mậu, chủ ảnh viện Viễn Kính, môt ảnh viện tồn tại suốt gần nửa thế kỉ trên đất Sài Gòn. Bởi sức sống lâu bền như thế, ảnh viện Viễn Kính lẫn chủ nhân của nó đã trải qua nhiều biến thiên dâu bể cùng với lịch sử và vô tình góp mặt trong tất cả những biến chuyển lớn nhỏ của thời cuộc để rồi trở thành một kho tàng lưu trữ ký ức với nhiều mảnh dấu ấn, kỉ niệm mà thời gian, con người lỡ bỏ quên.

Đây cơ hồ là một cuốn “hồi kí chép hộ” bởi lẽ chính nhân vật cũng chỉ khiêm tốn nhận mình là một anh thợ ảnh bình thường chẳng có gì nổi bật để đưa vào trang viết. Ông kể lại quá khứ bằng lối nói bình dị, thân mật và đầy mãn nguyện.


Những câu chuyện cứ thế được gợi dần ra trong trí nhớ của cụ ông ngoài 80 tuổi, đều đặn, chảy trôi, “phẳng phiu, liền lạc”. Đó không đơn thuần là câu chuyên cá nhân nhỏ bé, nó còn hàm chứa những chiêm nghiệm, những bài học nhân sinh sâu sắc và hơn hết chúng như tái hiện được trước mắt người đọc trọn vẹn linh hồn của mảnh đất Sài Gòn buổi ngày xưa cũ. Xin được chia sẻ vài điều mình thấy tâm đắc nhất:

1. Sài Gòn, vòng tay mẹ ấp ôm những người con tứ xứ:

Ông Mậu gốc là người Bắc vào Nam học nghề ảnh để lập nghiệp. Bấy giờ, (và cả bây giờ) Sài Gòn như môt miền đất hứa, ai ai cũng muốn đổ về đây để làm ăn kiếm sống. Không chỉ người Việt mà người Hoa ở đây cũng rất đông. Ông chia sẻ rằng:” Sài Gòn cũng lạ, người các nơi về nhưng làm một chỗ thì thoải mái với nhau.” Lạ thật, phải chăng cứ đến Sài Gòn, con người đều có thể cởi bớt những nhỏ nhen ích kỉ mà hòa nhập với cộng đồng xung quanh”. Phải chăng Sài Gòn tình nghĩa nên con người bỗng cũng “phóng khoáng hơn” mà dễ thân dễ gần và sống xuồng xã với nhau hơn? Để từ bao giờ đến nay, mỗi khi nghe đến Sài Gòn những ai đã từng đến đây đều dấy lên trong tim một xúc cảm thân thương, gần gũi, như môt mái nhà.

2. Anh thợ ảnh “bình thường”- người nghệ sĩ đức độ, tài hoa và bài học về cách sống:

Cái chất nghệ sĩ trong con người ta ai chẳng có, huống hồ là một người thợ ảnh, kẻ luôn săn tìm cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật. Sự tài hoa, kinh nghiệm lẫn niềm đam mê nhiệt huyết của ông Mậu là những bằng chứng để ta coi ông như một người nghệ sĩ cho dù ông không bao giờ nhận cho mình chức danh ấy, thay vào đó ông chỉ nhận chữ "nghệ nhân".

Mình cảm phục sự khiêm nhường của ông, lối sống, cách nghĩ và cách đối mặt với cuôc đời, đối xử với người đời. Đó là lòng tự tôn cá nhân, là sự biết giữ mình, là tấm lòng biết san sẻ yêu thương cùng người khác. Đó còn là cách ông trao đi tình yêu và kiếm tìm tình yêu đích thực. Ảnh viện từng có một “thời vàng son” trước khi đi đến ngày tàn của nó, “thời vàng son” đó gắn liền với tên tuổi nhiều nghệ sĩ thời danh, và cũng đánh dấu một quãng tuổi trẻ đầy sôi nổi của người chủ nhân…

3. Cái nhìn mới về nhiếp ảnh:

Niềm yêu thích nhiếp ảnh của mình bắt đầu từ việc muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Lời chia sẻ của nhân vật đã cho mình một cảm quan sâu sắc hơn về công việc này.

"Tự tay chụp được những bức ảnh đẹp, chấm sửa khắc phục được những lỗi ảnh để khách hàng hài lòng là niềm an ủi lớn nhất của một anh thợ ảnh học nghề mà tôi cảm nhận được. Có một niềm sung sướng khó tả khi nghĩ rằng, những khách hàng chỉ đến với mình một lần những những bức ảnh ghi lại sự hiện diện của họ trong cuộc đời có thể lưu giữ vĩnh viễn truyền lại hình bóng cũ cho hậu duệ ngay khi họ đã khuất. Chỉ cần nghĩ vậy, tôi thấy cái nghề này có ý nghĩa, sự thiêng liêng. Ngoài ra, biết bao niềm vui tuổi trẻ của nhiều người cũng được lưu giữ nhờ những hiệu ảnh. Tất cả kí ức, kỉ niệm. Mỗi bức ảnh là khoảnh khắc chỉ đến một lần nhưng mang biết bao suy nghĩ về số phận, nhận về biết bao niềm trân quý giữa cuộc đời nhiều dịch biến".

Thế đấy, nhiếp ảnh đâu phải là chỉ là nhìn và bấm máy, nó còn hàm chứa những giá trị mà chỉ những ai “nghề ảnh (đã) ăn vào máu” mới thấu cảm hết được.

Để không bị hiểu lầm là “chọn sách qua bìa”, mình để phần nhận xét về thiết kế cuốn sách ở đây. Cuốn sách không chỉ thỏa mãn độc giả qua nội dung câu chữ, nó còn làm ta yêu ngay từ cái nhìn đầu, mãn nhãn! “Ký ức về một ảnh viện” thì làm sao có thể thiếu phần hình. Với lối thiết kế cực kì ấn tượng, cuốn sách mang màu sắc cổ điển rất đặc trưng và bên trong còn có nhiều hình ảnh tư liệu mà mình nghĩ phải cảm ơn đến công sức tìm tòi của tác giả, đồng thời đặc biệt cảm ơn đến tâm huyết của nhân vật chính, người thợ ảnh, người nghệ sĩ đã cố gắng lưu lại dư âm xưa cũ với những tấm phim, tấm hình có thể coi là kỉ vật vô giá.

Không đơn thuần là một cuốn "tiểu sử", hay cuốn “hồi kí chép hộ”, với mình “Ký ức một ảnh viện Sài Gòn” còn mang giá trị của một cuốn “cẩm nang hành nghề” cho tất cả những ai đang ngày ngày mang chiếc máy ảnh của mình để lưu giữ thời gian (cho người khác). Mình tin họ sẽ yêu công việc của họ hơn, hiểu rõ ý nghĩa của công việc ấy hơn từ đó cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.



Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên 
Reviewer: Kiều Oanh
Thành viên NHB Blue Team
Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ